Sáng kiến kinh nghiệm : Rèn kĩ năng viết đoạn văn miêu tả cho học sinh dân tộc thiểu số lớp 5A1 Trường Tiểu học Lê Lợi
Lượt xem:
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài:
Môn Tiếng Việt trong chương trình Tiểu học với mục đích nhằm hình thành và phát triển ở học sinh các kỹ năng sử dụng Tiếng Việt (nghe – nói – đọc – viết) để học tập và giao tiếp trong các môi trường hoạt động của lứa tuổi. Giúp học sinh có cơ sở để tiếp thu kiến thức ở các lớp trên.
Tập làm văn là phân môn mang tính chất tổng hợp, sáng tạo, thực hành từ các phân môn khác của môn Tiếng việt. Đồng thời, nó còn gắn bó mật thiết với tất cả các môn học khác trong chương trình Tiểu học và thể hiện được đậm nét dấu ấn cá nhân. Dạy Tập làm văn theo hướng đổi mới nhằm rèn luyện cho học sinh kỹ năng hình thành văn bản dưới cả hai hình thức nói, viết về một số nội dung nào đó hay một đề tài cụ thể. Điều này đòi hỏi giáo viên giảng dạy phải vân dụng các phương pháp và cách tổ chức dạy học linh hoạt như thế nào, để mỗi tiết dạy Tập làm văn đều đạt được hiệu quả như mong muốn.
Ở Tiểu học, văn miêu tả chiếm khá nhiều thời lượng trong các thể loại Tập làm văn. (Ở lớp 5 văn miêu tả được phân bố trong 50 tiết, chiếm khoảng 71% thời lượng toàn bộ chương trình tập làm văn). Văn miêu tả được chia thành các kiểu bài khác nhau căn cứ vào đối tượng miêu tả. Các kiểu bài miêu tả ở lớp 5 bao gồm hai loại chính đó là: tả cảnh và tả người. Các bài văn tả cây cối, tả con vật, tả đồ vật được ôn tập lại và viết bài từ kiến thức đã học ở lớp 4. Tất cả đều là các chủ đề khá gần gũi nhưng khó so với các em vì khả năng trình bày, diễn đạt vấn đề thông qua nói và viết đối với nhiều em là rất khó khăn, lúng túng; các em rất e ngại, sợ phải trình bày, diễn giải một vấn đề nào đó trước tập thể lớp. Nhiều em rất sợ, rất “lười nhác” khi nhắc đến Tập làm văn. Bản thân các em cũng gặp nhiều khó khăn trong việc cảm nhận cái hay, cái đẹp trong các bài văn, bài thơ được học.
Thực tế ở trường Tiểu học Lê Lợi, với đặc thù là 100% học sinh đồng bào thiểu số, học sinh còn sử dụng tiếng Việt chưa thành thạo, học sinh còn gặp nhiều khó khăn khi viết các câu văn, đoạn văn cho đúng ngữ pháp. Ngoài ra, các em chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của việc quan sát, tìm ý, viết đoạn văn nên chất lượng giờ tập làm văn, lập dàn ý và giờ dạy tập làm văn viết đoạn văn miêu tả còn hạn chế. Đa phần các em chỉ dừng lại ở mức độ trả lời, liệt kê các chi tiết, các bộ phận của sự vật theo gợi ý của thầy cô một cách máy móc, khuôn mẫu. Mặt khác, với đa số học sinh, vốn từ ngữ của các em còn rất nghèo nàn, việc diễn đạt câu văn, ý văn còn nhiều hạn chế. Nhất là khi làm các bài Tập làm văn miêu tả, các em chỉ dừng lại ở việc liệt kê các chi tiết, các bộ phận của sự vật một cách đơn giản dẫn đến câu văn hết sức khô khan. Thậm chí, có những em khi miêu tả một sự vật thì không biết phải bắt đầu từ đâu, không biết phải tả những gì, tả thế nào…
Với mong muốn giúp các em biết diễn đạt trôi chảy, trình bày những câu văn, ý văn giàu hình ảnh, có cảm xúc, tôi đã mạnh dạn nghiên cứu và áp dụng một số phương pháp để: “Rèn kĩ năng viết đoạn văn miêu tả cho học sinh dân tộc thiểu số lớp 5A1 Trường Tiểu học Lê Lợi”.
2. Mục tiêu, nhiệm vụ của đề tài:
Trong phạm vi đề tài này tôi đi sâu vào nghiên cứu về các phương pháp đổi mới tiến trình dạy học cũng chính là việc tích cực hóa hoạt động của học sinh trong quá trình học tập. Sáng kiến này giúp người giáo viên có cơ sở để dạy cho HS viết đoạn văn trong bài văn tốt hơn. Ở đây, giáo viên cần giúp học sinh biết tự mình khám phá những tri thức mới. Qua đó, các em sẽ thông hiểu, ghi nhớ những gì đã chủ động lĩnh hội được và như vậy học sinh sẽ nắm được kiến thức một cách sâu sắc hơn.
Muốn vậy cần phải làm gì? và làm như thế nào? Để trả lời câu hỏi trên thì người giáo viên phải nhìn vào sự thật, phải trông thấy những khó khăn, tồn tại để tìm ra biện pháp rèn kỹ năng viết đoạn văn trong bài văn thì mới nâng cao chất lượng phân môn tập làm văn trong môn Tiếng Việt.
3. Đối tượng nghiên cứu:
– Học sinh lớp 5A1 Trường Tiểu học Lê Lợi.
4. Giới hạn phạm vi nghiên cứu:
– Nghiên cứu chương trình SGK, SGV Tiếng Việt, cụ thể (Phân môn tập làm văn – Thể loại văn miêu tả lớp 5)
– Nghiên cứu việc HS lĩnh hội tri thức cũng như việc học sinh viết đoạn văn, bài văn.
– Nghiên cứu tài liệu bồi dưỡng giáo viên dạy các môn học lớp 5.
– Đọc, nghiên cứu tài liệu sách dạy văn hay, xem các thông tin…
5. Phương pháp nghiên cứu:
– Phương pháp quan sát
– Phương pháp điều tra giáo dục
– Phương pháp tổng kết kinh nghiệm
– Phương pháp thực nghiệm sư phạm
– Xử lí thông tin bằng thống kê và biểu đồ
PHẦN NỘI DUNG
1. Cơ sở lí luận:
Học sinh lớp 5 đã bước vào lứa tuổi thiếu niên. Các em lớn nhanh về kích thước và tổ chức cơ thể đã tiến gần đến tuổi trưởng thành. Hành vi và đời sống nội tâm của các em đã có những thay đổi đột biến.
Việc dâng cao cảm xúc khiến trẻ em tuổi này có một sự thay đổi đáng kể là: các em đã thay hoạt động sáng tạo yêu thích là “vẽ” ở giai đoạn trước tuổi đến trường và đầu tiểu học bằng hình thức “sáng tạo lời”. So với vẽ và đặc biệt là các bức vẽ trẻ em còn chưa hoàn thiện, thì “lời nói cho phép diễn đạt dễ dàng hơn rất nhiều lần những quan hệ phức tạp, những tính chất bên trong, những sự vận động, lô gích, sự phức tạp của sự kiện”. Và đấy cũng là những tiền đề ban đầu cho việc viết văn miêu tả của học sinh lớp 5.
Với học sinh tiểu học, nhất là học sinh các lớp 5, việc hình thành và phát triển các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết là vô cùng quan trọng, được thực hiện ở tất cả các môn học và nổi bật nhất là ở môn Tiếng Việt. Do đó, việc dạy tập làm văn ở tiểu học góp phần rèn luyện cho học sinh năng lực sử dụng tiếng Việt, tạo điều kiện cho các em giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày và học tốt các môn học khác. Chính những văn bản viết các em có được từ phân môn tập làm văn đã thể hiện những hiểu biết thực tế, những kỹ năng sử dụng Tiếng Việt mà các em được học ở môn Tiếng Việt nói chung, phân môn Tập làm văn nói riêng và các môn học khác.
Mục tiêu của việc dạy học Tập làm văn ở lớp 5 là: Cung cấp, hướng dẫn cho học sinh biết lập dàn ý cho bài văn, viết được bài văn theo dàn ý đã lập có đủ 3 phần, lời văn trôi chảy, câu văn bước đầu có cảm xúc; biết nói, viết câu có dùng phép so sánh, nhân hóa; biết kiểm tra, rà soát lại bài viết về nội dung, cách diễn đạt, cách trình bày.
Theo chuẩn kiến thức kĩ năng cần đạt- QĐ số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5 tháng 5 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo mục tiêu của việc dạy học Tập làm văn ở lớp 5 bao gồm các yêu cầu sau:
– Đối với học sinh: học sinh biết lập dàn ý cho bài văn, viết được bài văn theo dàn ý đã lập có đủ 3 phần, lời văn trôi chảy, câu văn bước đầu có cảm xúc; biết nói, viết câu có dùng phép so sánh, nhân hóa; biết kiểm tra, rà soát lại bài viết về nội dung, cách diễn đạt, cách trình bày.
– Đối với giáo viên: cần có những phương pháp dạy học phù hợp, tăng khả năng chủ động, tích cực nhằm hướng dẫn học sinh đạt được các yêu cầu theo chuẩn.
2. Thực trạng dạy và học phân môn Tập làm văn của học sinh lớp 5A1:
Phân môn Tập làm văn là phân môn khó dạy so với các môn học khác, cách dạy còn thiếu linh hoạt trong vận dụng các phương pháp và chưa sáng tạo trong việc tổ chức các hoạt động học tập của học sinh. Do vậy, các em trong lớp 5A1 thường gặp những vấn đề sau trong học tập:
– Học sinh đến trường nhưng chưa có động cơ học tập đúng đắn.
– Ảnh hưởng của việc sử dụng vốn từ ngữ trong tiếng mẹ đẻ (tiếng dân tộc Nùng), cách nói thành câu có nội dung bị đảo ngược so với ngữ pháp thông thường.
– Các em không có thói quen đọc sách, đọc truyện để tích lũy vốn từ; ít nghiên cứu bài trước khi đến lớp, không thực hiện đầy đủ yêu cầu của GV.
– Trong giờ học, các em ít tập trung, không động não để phát biểu xây dựng bài mà chỉ đợi giáo viên gợi ý.
– Chưa biết tự khám phá ra kiến thức mới vì vậy chưa hình thành được kỹ năng.
– Các em chưa có kỹ năng luyện tập, thực hành, chưa có hứng thú học tập.
Ngoài những thực trạng trên, khi dạy học phân môn tập làm văn, học sinh lớp 5A1 còn thường mắc một vài lỗi khi viết đoạn văn như sau:
– Học sinh viết hay sai nhiều lỗi chính tả: Học sinh thường viết sai, nhầm lẫn giữa các âm như: iên/ên ; uôm/ôm; iêt/êt; uyên/ yên; iêu/êu… Ngoài ra còn hay sai các vần như: tr/ch; r/d/gi; ng/ngh…Do những ảnh hưởng của phương ngữ.
– Từ ngữ thiếu chính xác, ít có hình ảnh: Học sinh gặp khó khăn khi tìm các hình ảnh để so sánh, miêu tả. Việc sử dụng từ ngữ bị hạn chế do ít sử dụng các từ ngữ mang tính nghệ thuật.
– Sắp xếp các ý còn lộn xộn: cách sắp xếp ý, trình bày và diễn đạt còn lộn xộn, đưa các hình ảnh miêu tả không hợp lí làm cho đoạn văn trở nên rời rạc, lủng củng.
– Việc liên kết câu trong đoạn , các đoạn văn với nhau chưa chặt chẽ: Các em thường chưa biết tìm các ý, các từ ngữ liên kết câu văn, đoạn văn với nhau.
Từ thực trạng trên đã thôi thúc tôi tìm hiểu và áp dụng một số phương pháp đề: “Rèn kĩ năng làm văn miêu tả cho học sinh dân tộc thiểu số lớp 5A1 Trường Tiểu học Lê Lợi”.
3. Nội dung và hình thức của giải pháp:
a. Mục tiêu của giải pháp:
Phân môn Tập làm văn thực chất là rèn cho học sinh kỹ năng tạo lập lời nói trong giao tiếp, trong những tình huống cụ thể. Từ đó, học sinh có thể viết ra những câu văn, đoạn văn, bài văn đúng với bố cục, nội dung. Những phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập nên cần được phát huy trong dạy tập làm văn lớp 5. Những phương pháp và biện pháp này chính là mục tiêu của việc rèn kĩ năng làm văn miêu tả cho học sinh lớp 5A1 mà tôi đề xuất để nâng cao chất lượng trong việc tổ chức tiết dạy-học tập làm văn miêu tả phù hợp với học sinh mình đang dạy.
b. Nội dung và cách thức thực hiện giải pháp, biện pháp:
* Nội dung các giải pháp, biện pháp:
– Tổ chức tốt việc quan sát sự vật, hiện tượng, mô hình, tranh ảnh, vật thật, quang cảnh….. – tìm ý và dựng đoạn cho học sinh.
– Giúp học sinh biết lập dàn ý cho bài văn cụ thể để từ đó có những ý tưởng ban đầu cho đoạn văn miêu tả.
– Giúp học sinh biết chọn lựa, chắt lọc hình ảnh miêu tả.
– Hướng dẫn học sinh biết chọn lựa, sử dụng từ ngữ giàu tính gợi tả, gợi cảm, nói-viết câu văn có dùng phép so sánh, nhân hóa phù hợp với đối tượng miêu tả.
– Hướng dẫn học sinh biết diễn đạt câu văn (nói, viết) trọn ý, sắp xếp các ý, các câu văn lôgic;
– Hình thành cho học sinh việc biết kiểm tra, rà soát lại bài viết về nội dung, cách diễn đạt.
– Hướng dẫn học sinh biết học tập từ ngữ, ý văn, hình ảnh từ các bài văn hay.
* Cách thực hiện biện pháp, giải pháp:
– Tổ chức tốt việc quan sát sự vật, hiện tượng, mô hình, tranh ảnh, vật thật, quang cảnh….. – tìm ý và dựng đoạn cho học sinh.
Dạy văn miêu tả là dạy các em học cách quan sát. Chính nhờ quan sát mà con người thu lượm được những hiểu biết phong phú, rộng rãi, cụ thể và sâu sắc về thế giới hiện thực. Điều quan trọng khi dạy làm văn miêu tả là phải dạy các em thể hiện chân thực những quan sát, những suy nghĩ, tình cảm của mình. Bài văn chân thực bao giờ cũng giàu sức truyền cảm, kể cả khi nó còn ngây ngô, vụng về, bởi vì đã nói, viết chân thực thì mỗi bài văn đều có cái riêng, cái lạ, thậm chí cái mới, cái độc đáo. Khi đã có đầy đủ những chi tiết quan sát được thì việc tìm ý, dựng đoạn lại đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên đoạn văn, bài văn miêu tả hay. Trên cơ sở tôn trọng cái riêng trong việc chọn đối tượng trong cách nghĩ, cách cảm của mỗi học sinh, giáo viên cần giúp các em diễn đạt, hoàn chỉnh ý thành đoạn văn. Bằng cách ấy, sản phẩm viết của học sinh trở thành những sản phẩm thể hiện bản sắc, cá tính, năng lực riêng của mỗi em.
Học sinh thiếu vốn từ, vốn hiểu biết thì nói sẽ lúng túng không nên lời, viết thì lủng củng không thành câu. Do vậy, tổ chức tốt việc quan sát -Tìm ý của phân môn Tập làm văn là công việc cực kì quan trọng, quyết định việc hình thành câu văn, đoạn văn miêu tả cho học sinh.
Đối với kiểu bài miêu tả, quan sát là cơ sở để tìm ý. Muốn vậy, GV phải nghiên cứu tr¬ước ch¬ương trình để có kế hoạch h¬ướng dẫn học sinh quan sát trực tiếp đối t¬ượng cần miêu tả, việc quan sát có khi tiến hành trên lớp, cũng có khi tiến hành ngoài lớp ( trư¬ớc khi đến lớp ). Để quan sát có chất l¬ượng giáo viên cần h¬ướng dẫn các em quan sát theo trình tự nhất định (từ chung tới riêng, từ ngoài vào trong, từ gần tới xa hay ngư¬ợc lại ) …
Ví dụ: Tả một dòng sông hay một con suối : Tôi hướng dẫn học sinh quan sát và miêu tả con suối khi nhìn từ xa trông như thế nào? Học sinh có thể miêu tả: trông như một dải lụa đào, hay giống như một con rắn khổng lồ đang bò ngoằn ngoèo trên lưng đồi, hay lại như một con đường khúc khuỷu…..Còn khi gần thì miêu tả các sự vật quan sát được bằng các hình ảnh như màu sắc của nước, các sinh vật sống dưới nước, cây cối hai bên bờ suối, hình dáng và sự sắp xếp của các tảng đá …..
– Quan sát bằng nhiều cách khác nhau (mắt nhìn, tai nghe, tay sờ, mũi ngửi…)
Ví dụ: Tả một dòng sông hay một con suối: tôi hướng dẫn học sinh sử dụng các giác quan để quan sát như nhìn thấy màu sắc của nước, hoạt động của các con vật trên và dưới mặt nước, các loài cây cối mọc hai bên bờ suối…..nghe thấy tiếng nước chảy, nghe tiếng gió thổi vi vu qua các kẽ lá…..cảm thấy mát lạnh, ngửi thấy mùi thơm của các loài hoa dại….
– Chú ý phát hiện những đặc điểm riêng phân biệt đối tượng được tả với những đối tượng khác cùng loại rồi ghi chép lại những chi tiết đặc sắc theo phần gợi ý của sách giáo khoa, nhờ đó mà bài văn của các em trở nên sinh động, mới mẻ hơn.
Ví dụ: Tả một dòng sông hay một con suối: tôi cho học sinh so sánh những hình ảnh quan sát được giữa một con suối với một con sông để các em thấy được sự khác biệt và biết tìm ra chi tiết đặc sắc hơn để miêu tả như con suối nhỏ ngoằn ngoèo trên sườn đồi như một dải lụa vắt ngang lưng đồi, hai bên bờ suối những tảng đá nằm rải rác…..
– Giúp học sinh biết lập dàn ý cho bài văn cụ thể để từ đó có những ý tưởng ban đầu cho đoạn văn miêu tả.
Để viết được bất kì một bài văn nào dù ngắn hay dài, người viết cũng không thể bỏ qua khâu lập dàn ý. Dàn ý hay còn gọi là đề cương. Dàn ý là sự sắp xếp các điều cốt yếu trong một bài văn. Nói cách khác nó là một hệ thống các ý chính trong một bài viết hay một bài nói. Dàn ý thực chất là bản kế hoạch, sơ đồ, phác thảo về đối tượng mà ta cần viết.
Kĩ năng lập dàn ý là một kĩ năng quan trọng đối với học sinh để làm được bất kì một bài văn nào. Nắm được kĩ năng này các em sẽ làm được một bài văn có tính hệ thống và lô gích cao, đúng và đủ ý, tránh được hiện tượng lạc đề, hay bài văn lủng củng. Dàn ý giúp định hướng được một cách bao quát, toàn bộ nội dung chủ yếu và những yêu cầu cơ bản mà bài viết cần đạt được và đáp ứng được những yêu cầu của đề bài. Khi có dàn ý cụ thể, người viết nắm được nét lớn, ý nhỏ của bài viết. Nhờ có sự chuẩn bị và định hướng đúng sẽ làm cho bài văn triển khai đúng trọng tâm, chặt chẽ và mạch lạc.
So với văn kể chuyện, khi lập dàn ý bài văn miêu tả tập trung vào các chi tiết mà học sinh quan sát được sau đó sắp xếp các ý có thể là theo trình tự hoặc cũng có thể theo cách cảm của học sinh chứ không phải sắp xếp các ý , các chi tiết theo trình tự cốt truyện như trong văn kể chuyện.
Dù đây là một yêu cầu rất thường xuyên nhưng trên thực tế lại có rất nhiều em không thể thực hiện được, có những em không biết lập dàn ý là làm cái gì, để làm gì. Bởi lẽ, ở những lớp dưới, các em không phải làm việc này, mà các em chỉ viết câu văn, đoạn văn bằng cách trả lời những câu hỏi cho sẵn hoặc dựa vào những gợi ý của thầy cô một cách đơn giản, ngắn gọn. Trong khi lên lớp 4, lớp 5 thì việc lập dàn ý cho một đề bài cụ thể (loại bài miêu tả) là yêu cầu bắt buộc các em phải biết thực hiện, tự thực hiện để dựa vào đó mà hoàn chỉnh đoạn văn, bài văn.
Để giúp các em dễ dàng hơn trong việc tự lập dàn ý cho bài văn, khi dạy học các bài cấu tạo của bài văn miêu tả (tả cảnh, tả người), tôi chủ động giúp các em dựa vào nội dung phần ghi nhớ trong sách giáo khoa, cùng xây dựng một dàn bài chung cho loại bài văn miêu tả đang học. Dàn bài chung này tôi sẽ ghi cố định ở một bảng phụ để làm cơ sở cho học sinh xây dựng dàn ý riêng cho mỗi bài văn miêu tả sau này. Dàn bài này cũng được sử dụng chung cho cả lớp trong các tiết tập làm văn có yêu cầu viết một đoạn văn hay hoàn chỉnh một bài văn.
Ví dụ: Khi dạy bài Cấu tạo của bài văn miêu tả cảnh (sách giáo khoa lớp 5, tập một, trang 11), sau khi giúp học sinh rút được nội dung ghi nhớ như trong sách giáo khoa, tôi sẽ chủ động bám vào nội dung phần ghi nhớ, dùng câu hỏi gợi ý, dẫn dắt cho các em nêu để xây dựng dàn bài chung cho bài văn miêu tả cảnh. Sau đó yêu cầu các em dựa vào dàn ý đó để hình thành ý tưởng sẽ viết cho đoạn văn miêu tả.
Ví dụ: “Tả vườn cây vào buổi sáng sớm”
a) Tả từng phần
– Những hình ảnh về cây cối mà em quan sát được có gì nổi bật?
– Ánh sáng mặt trời từ lúc tờ mờ sáng đến lúc mặt trời lên hẳn thay đổi như thế nào? Điều đó cho em thấy được cảnh vật đẹp như thế nào?
– Trong vườn cây không khí như thế nào? Khi đứng giữa vườn cây em có cảm giác gì?
– Trên những phiến lá, cành cây em thấy được gì?
– Trong vườn cây các loài động vật hoạt động như thế nào?
b) Tả theo sự thay đổi của thời gian.
– Từ lúc tờ mờ sáng cảnh vật như thế nào?
– Lúc mặt trời lên hẳn cảnh vật thay đổi ra sao?
Từ cách hướng dẫn các bước lập dàn ý như trên, học sinh lớp 5A1 đã dần biết lập dàn ý chi tiết cho một bài văn tả cảnh, từ đó tìm ra ý tưởng ban đầu cho mỗi đoạn văn.
– Giúp học sinh biết chọn lựa, chắt lọc hình ảnh miêu tả.
Vấn đề chọn lựa, chắt lọc hình ảnh trong khi làm văn miêu tả cũng rất quan trọng. Nếu HS viết những câu văn miêu tả giàu hình ảnh thì sức gợi cảm của bài văn sẽ hay hơn.
Tuy nhiên, học sinh còn hay lúng túng không biết lắng nghe gì? Nói gì? Viết gì? Vì vậy, việc hướng dẫn cho học sinh biết quan sát tìm ý để hình thành thói quen chuẩn bị bài tốt. Quan sát tốt, học sinh nắm được cách quan sát và những yêu cầu quan sát để làm văn. Cùng một đối tượng (ví dụ cùng một dòng sông) nhưng mỗi cá nhân lại có sự cảm nhận riêng (có em thấy dòng sông giống như dải lụa đào, có em lại thấy giống một con rắn khổng lồ….). Tôi luôn tôn trọng ý kiến của các em, không phê phán vội vàng, chủ quan, giúp học sinh tự tin trong học tập. Tuy nhiên, để miêu tả một đối tượng nào đó, tôi thường giúp các em biết quan sát đối tượng theo từng góc nhìn, từng thời điểm, biết cảm nhận và chọn “điểm nhấn” của đối tượng tạo ra nét riêng biệt trong bài văn của mình. Do vậy, để đảm bảo tính chân thực của bài miêu tả cần phải được bắt nguồn từ quan sát trực tiếp đối tượng miêu tả, kết hợp với kinh nghiệm sống, trí tưởng tượng của học sinh, phải thể hiện được tình cảm, cảm xúc thực của các em trước đối tượng miêu tả. Tính chân thực đòi hỏi phải có chi tiết thực, tả đúng bản chất của đối tượng miêu tả, thể hiện được những nét đẹp đẽ, đúng đắn trong tư tưởng, tình cảm của người học sinh khi bộc lộ thái độ của các em với đối tượng miêu tả.
Để thực hiện những yêu cầu trên, tôi thường hướng cho học sinh thực hiện thật tốt từng bước:
+ Trước tiên là quan sát bao quát đối tượng và cảm nhận, rồi quan sát từng bộ phận của đối tượng theo một trình tự nhất định. Quan sát thật kĩ những bộ phận của sự vật mà em thích thú, ấn tượng. Khi quan sát sự vật, các em cũng có thể trao đổi theo nhóm với nhau để tìm ra những đặc điểm của đối tượng một cách tốt nhất.
+ Kết hợp quan sát là ghi chép (ghi chép những điều quan sát được) và liên tưởng (liên tưởng để so sánh, nhân hóa sự vật)
Ngoài ra, tôi còn thường sử dụng hệ thống bài tập điền các từ ngữ giàu hình ảnh, giàu sức gợi cảm vào chỗ trống; tìm những cách diễn đạt có cách tạo hình ảnh hay hơn và sau đó là dùng những từ ngữ, biện pháp nghệ thuật để viết câu, viết đoạn.
Các dạng bài tập đó giúp phát huy được năng lực giao tiếp tiếng Việt và năng lực cảm thụ cho học sinh. Học sinh không chỉ nắm được cách sử dụng biện pháp nghệ thuật trong viết câu văn mà còn biết cách liên kết các câu trở thành một đoạn văn hoàn chỉnh, hay và hấp dẫn, có thể gây được sự chú ý cho người đọc, người nghe.
Ví dụ, với bài tập: Hãy so sánh các cách diễn đạt trong các câu văn sau và cho biết cách diễn đạt nào hay hơn. Em hãy giải thích rõ lí do vì sao mình chọn?
– Dòng sông chảy qua cánh đồng.
– Dòng sông lượn qua cánh đồng.
– Dòng sông vắt qua cánh đồng.
Giáo viên hướng dẫn học sinh nêu cảm nhận của mình và nhận thấy, cả ba câu đều miêu tả về dòng sông nhưng hình ảnh dòng sông trong mỗi câu văn đem lại những ấn tượng khác nhau đối với người đọc.
Câu 1: Đây là một câu văn tả thực, chỉ miêu tả đơn thuần về hình ảnh một dòng sông như trong thực tế đời sống. Cách viết rất bình thường nên ai cũng có thể làm được.
Câu 2: So với câu 1, cách viết này đã có hình ảnh hơn. Bởi với từ “lượn” câu văn đã góp phần gợi lên trước mắt người đọc hình ảnh về một dòng sông mềm mại, duyên dáng. Vẻ đẹp này góp phần tô điểm thêm cho bức tranh thiên nhiên.
Câu 3: Đây là câu văn hay hơn cả. Với cách dùng từ “vắt” câu văn giúp người đọc không chỉ hình dung được vẻ đẹp mềm mại của dòng sông mà còn cảm nhận được vẻ đẹp nên thơ, trữ tình của nó. Dòng sông ấy như một nhịp cầu thật duyên dáng nối khoảng không gian giữa đôi bờ.
Câu văn có sức gợi hình, gợi cảm nhiều hơn, cách miêu tả không chỉ bằng thị giác mà còn bằng sự cảm nhận tinh tế, nhạy cảm; bằng tình yêu quê hương thiết tha, sâu nặng. Đây cũng chính là một sáng tạo về nghệ thuật tạo hình ảnh trong khi viết văn miêu tả. Rõ ràng chỉ khác nhau một từ thôi nhưng cách gợi hình, gợi cảm của ba câu đã khác nhau.
Trên cơ sở bài tập này, tôi hướng dẫn học sinh cách chọn lựa, chắt lọc hình ảnh khi miêu tả để tạo nên những độc đáo, sáng tạo riêng.
– Hướng dẫn học sinh biết chọn lựa, sử dụng từ ngữ giàu tính gợi tả, gợi cảm, nói-viết câu văn có dùng phép so sánh, nhân hóa phù hợp với đối tượng miêu tả.
Việc dùng từ ngữ giàu hình ảnh, gợi tả, gợi cảm, các biện pháp so sánh, nhân hóa khi viết văn sẽ giúp cho câu văn, đoạn văn trở nên sinh động hơn, mượt mà hơn, ý tứ hơn và thu hút người đọc, người nghe hơn.
Như vậy, việc giúp các em biết tìm từ ngữ, ý văn hay, hình ảnh đẹp, phù hợp để miêu tả sự vật cụ thể là vừa giúp phát huy tốt năng lực của mỗi học sinh, vừa góp phần cung cấp ý văn, từ ngữ phù hợp cho những học sinh khác.
Cùng với việc giới thiệu một số hình ảnh cụ thể cho học sinh quan sát, tôi còn gợi ý cho mỗi học sinh tự chọn chi tiết cụ thể của đối tượng cần miêu tả, rồi tìm những từ ngữ, ý văn, câu văn, hình ảnh so sánh, nhân hóa mà mình cảm thấy phù hợp, có thể sử dụng để miêu tả chi tiết đó của đối tượng. Sau đó, trình bày bài làm trước lớp. Những học sinh khá giỏi nhận xét, bình và chọn những từ ngữ, ý văn hay, hình ảnh đẹp, phù hợp cho bài văn đó.
Từ đó, chính học sinh đó có thể vận dụng chính những từ ngữ, câu văn, ý văn được lớp đánh giá cao rồi theo ý thích của riêng mình đưa vào bài của mình, tạo ra nét riêng trong chính bài làm của mình.
Ví dụ: Với bài tập 2 của bài Luyện tâp tả cảnh viết đoạn văn tả buổi sáng ở vườn cây. Trước tiên, tôi giới thiệu cho các em hình ảnh hoặc videoclip về vườn cây hoặc để học sinh liên hệ thực tế với khu vườn cạnh nhà. Tiếp đó là cùng với việc sử dụng dàn bài chung của bài văn miêu tả cảnh đã xây dựng (nội dung Tả từng phần ở phần thân bài), tôi sẽ lần lượt hướng dẫn các em nêu các phần tiêu biểu của quang cảnh buổi sáng và những ý văn, câu văn, hình ảnh so sánh, nhân hóa mà mình cảm thấy hay, phù hợp, có thể sử dụng để miêu tả các sự vật đó:
Những cánh hoa rất dày, dày một cách bất thường như được nặn bởi bàn tay khéo léo của những người làm tò he.
Cành mít đan xen, lá to như bàn tay người lớn. Từng quả mít nhỏ nằm chen chúc nhau.
Lá chuối to, xoè ra bốn phía, lá non cuộn tròn, dựng đứng lên như cuộn giấy. Lá chuối bóng láng, xanh tươi.
Trong vườn, có vài đàn chim sẻ sà xuống ríu rít. Góc vườn phía sau là chỗ nuôi gà. Cô gà mái mơ thấy mồi kêu “tục tục” gọi đàn con lại. Mấy chú gà con rối rít chạy lại, tranh nhau mồi. Khi thấy chúng tôi, đám gà con hốt hoảng chạy về núp dưới cánh mẹ. Gà mẹ xù lông, kêu “quác quác” có ý bảo chúng tôi đi.
Lúc này các em có thể kết hợp vừa quan sát trực tiếp hình ảnh giáo viên cung cấp, vừa dựa vào những điều mình đã ghi chép khi chuẩn bị ở nhà để thực hiện yêu cầu của thầy cô. Với những từ ngữ, ý văn các em nêu được, tôi gợi ý cho lớp cùng nhận xét, bình và chọn những từ ngữ, ý văn hay, hình ảnh đẹp, phù hợp rồi ghi nhanh lên bảng làm cơ sở cho các em chọn lựa, vận dụng chính những từ ngữ, câu văn, ý văn được lớp đánh giá cao theo ý thích của riêng mình để thực hiện yêu cầu của bài tập.
– Hướng dẫn học sinh biết diễn đạt (nói, viết) câu văn trọn ý, sắp xếp các ý, các câu văn lôgic:
Để có một đoạn văn có nội dung diễn đạt một ý hoàn chỉnh thì các câu văn trong đoạn văn đó phải được liên kết chặt chẽ và được sắp xếp theo một trật tự nhất định. Muốn có được đoạn văn như thế thì việc tạo câu văn có vai trò rất quan trọng, từ việc hình thành câu văn từ hình thức nói sang hình thức viết đều phải thể hiện ý nghĩa hoàn chỉnh và lôgic .
Các em sẽ biết tự diễn đạt câu văn trọn ý khi các em biết sắp xếp các từ ngữ thành câu văn đúng ngữ nghĩa, biết sắp xếp các câu văn thành đoạn văn lôgic, đúng chủ đề. Tuy nhiên, đây là việc làm khó, cần được tập luyện thường xuyên và khá mất thời gian, mà thời gian ở các tiết học Tập làm văn lại có hạn. Vì vậy, bản thân tôi thường thực hiện không chỉ ở các tiết Tập làm văn mà ở cả các tiết học khác như Luyện từ và câu hay Chính tả. Với những bài tập có yêu cầu liên quan đến việc phải trình bày, sắp xếp các ý, câu văn lôgic, hoặc ở một số tiết Tập làm văn, tôi thường chủ động chuẩn bị các từ ngữ, câu văn theo chủ đề nhất định đủ dùng cho học sinh hoạt động theo dự kiến. Cho các từ ngữ, yêu cầu học sinh dùng những từ ngữ đó sắp xếp lại thành những câu văn hoàn chỉnh (hoặc dùng những câu văn sắp xếp thành đoạn văn) theo chủ đề mà giáo viên yêu cầu. Tiếp đó có thể tổ chức nhận xét, đánh giá, sửa chữa. Cần đánh giá, nhận xét trên sự sáng tạo của học sinh, tôn trọng ý tưởng của học sinh, không nhất thiết phải đúng theo mẫu ấn định sẵn. Tuy nhiên cũng cần phải điều chỉnh, chữa bài nếu chưa phù hợp. Ngoài ra, ngay cả khi các em trả lời câu hỏi của thầy cô, của bạn bè hoặc khi yêu cầu các em trình bày một vấn đề nào đó, tôi đặc biệt chú trọng đến cách trình bày, diễn đạt của các em (nhất là với những học sinh yếu). Khi thấy học trò trình bày vấn đề lủng củng, không rõ ràng hoặc sử dụng từ ngữ không phù hợp, tôi sẽ nhận xét khéo và gợi ý, tập cho các em và cả các bạn khác cùng cân nhắc, diễn đạt lại vấn đề sao cho trôi chảy, rõ ràng, đủ ý, và dễ hiểu.
Ví dụ: Với đề bài: “Tả cảnh vật sau cơn mưa” , một học sinh đã tả như sau:
Sau cơn mưa, cảnh vật trở nên bừng sáng hơn. Chị gà mái tơ rũ rũ đi phơi nắng. Những giọt mưa nhẹ hạt hơn. Cây cối ướt đàn gà con lại chạy theo mẹ đi kiếm mồi.
Sau khi yêu cầu em sắp xếp lại ý, tìm những từ ngữ miêu tả cho phù hợp thì đoạn văn sau khi được chữa như sau:
Sau cơn mưa, cảnh vật trở nên bừng sáng hơn. Những hạt mưa dần dần nhẹ hạt hơn. Cây cối như được tắm mưa thật mát mẻ và dễ chịu. Trên cành cây, một vài bông hoa nở ra đón những tia nắng nhẹ. Dưới gốc cây, chị gà mái tơ rũ rũ bộ lông ướt rồi chị lại dẫn đàn gà con đi kiếm mồi, chúng ríu rít chạy theo chân mẹ.
Sau khi sắp xếp lại ý, đoạn văn có nội dung theo trình tự nhất định, ý văn mượt mà hơn, ý nghĩa đoạn văn hoàn chỉnh và lôgic hơn.
– Hình thành cho học sinh việc biết tự kiểm tra, rà soát lại bài viết về nội dung, cách diễn đạt, cách trình bày:
Giáo viên cần hình thành cho học sinh thói quen tự kiểm tra, rà soát lại bài viết. Vì điều đó sẽ giúp học sinh tự phát hiện ra các lỗi về chính tả, sắp xếp ý, cách dùng từ, đặt câu, nội dung của đoạn văn….để từ đó học sinh biết phát huy điểm mạnh và hạn chế những lỗi sai thường gặp.
Đối với học sinh lớp 5A1 thì đây là việc làm khá khó khăn, ít em tự thực hiện được. Việc tập cho các em biết tự kiểm tra, rà soát lại bài viết về cả nội dung và cách diễn đạt, cách trình bày là rất cần thiết, nó không chỉ giúp các em nâng cao khả năng làm văn, nâng cao chất lượng câu văn, đoạn văn, bài văn của các em mà còn giúp cho các em rèn luyện kĩ năng trình bày, diễn đạt vấn đề.
Trong mỗi giờ Tập làm văn, nhất là văn viết, tôi hết sức chú trọng việc tập cho học sinh biết tự cân nhắc, trau chuốt câu văn, ý văn cho phù hợp. Khi các em hoàn thành bài tập, tôi thường tổ chức cho các em đọc lại bài, đối chiếu với yêu cầu của đề bài để kiểm tra xem nội dung bài làm đã đảm bảo chưa? Câu văn, ý văn đã rõ ràng, đủ ý chưa? Chi tiết miêu tả đã phù hợp hay chưa?…Thời gian đầu các em sẽ rất bỡ ngỡ, khó thực hiện, tôi tập cho cả lớp cùng thực hiện chung trên một vài bài, sau đó là cùng thực hiện trong nhóm, dần dần là mỗi cá nhân sẽ tự kiểm tra, rà soát trên bài làm của mình. Ngay trong quá trình các em làm bài, tôi cũng theo dõi, giúp các em tự nhận xét, kiểm tra, điều chỉnh kịp thời những chỗ chưa hay, chưa phù hợp, tập cho các em biết chú trọng đến cách diễn đạt sao cho đúng, đủ, rõ ý. Ngoài ra, tôi còn tăng cường thêm hiệu quả của phong trào “Đôi bạn cùng tiến” trong học tập bằng cách: yêu cầu các em học sinh khá giỏi soát lỗi, chữa lỗi, góp ý, trong bài viết cho các em yếu, học hỏi các ý văn hay từ các bạn khác.
– Hướng dẫn học sinh biết học tập từ ngữ, ý văn, hình ảnh hay khi làm văn:
Nói cách khác là biết học tập, học hỏi những câu văn, ý văn mà mình đọc được của bạn bè, thầy cô hay ở đâu đó. Từ đó, học sinh sẽ tìm được ý văn cho riêng mình, biết học hỏi cách viết đoạn văn có nôi dung hay, cách diễn đạt, sắp xếp ý.
Tôi khuyến khích các em tích cực đọc sách, báo hoặc những bài văn hay (văn mẫu) và ghi chép lại những chi tiết, hình ảnh mình thích vào một cuốn sổ tay. Sau đó sẽ chọn lựa một số câu và ghi ra giấy dán vào mục “Lời hay ý đẹp” ở lớp để giới thiệu cho các bạn khác cùng tham khảo. Chính bản thân tôi là người thường xuyên đọc những “lời hay ý đẹp” mà các em sưu tầm được để khi gặp trường hợp có thể vận dụng, học hỏi những từ ngữ, ý văn đó mà các em không nhớ, không biết vận dụng tôi sẽ chủ động gợi ý giúp các em nhớ lại, tập vận dụng vào bài của mình. Hoặc khi phát hiện các em biết học tập, bắt chước cách diễn đạt, cách dùng từ ngữ, ý văn của người khác (không sao chép), tôi sẽ động viên, khích lệ các em tiếp tục phát huy. Ngoài ra, tôi còn thường xuyên tổ chức cho các em nhận xét, đánh giá bài của bạn (cách dùng từ, đặt câu, …) rồi rút kinh nghiệm, vận dụng vào bài của mình theo các bước:
+ Chọn đọc bài, câu văn của bạn và trao đổi, bàn bạc, suy nghĩ tìm ý hay, cách chỉnh sửa những ý chưa hay, chưa phù hợp.
+ Rút kinh nghiệm, học tập ở bài làm của bạn để bổ sung, chỉnh sửa bài làm của mình.
Ví dụ: Em Hoàng Minh Ngôn khi viết đoạn văn tả cảnh sông nước em đã viết như sau:
Em rất thích được ngắm biển vào buổi sáng. Ở biển có bãi cát dài trắng xóa. Hàng phi lao cao vút. Sóng biển vỗ bờ ì ầm.
Sau khi giúp em tìm thêm các ý văn hay, sử dụng thêm các từ ngữ miêu tả thì em đã viết được đoạn văn như sau:
Ôi! Bình minh trên biển thật đẹp. Những con sóng bạc dồn đuổi nhau trên mặt biển, reo lên khúc hoan ca chào đón một ngày mới. Vầng mặt trời đỏ rực như hòn lửa đang từ từ nhô lên phía chân trời, tỏa những tia nắng rực rỡ xuống mặt biển, làm cho mặt biển thêm lung linh, xanh biếc và mênh mông. Từng đàn hải âu đang sải cánh chao liệng, có con sà xuống mặt biển để tìm cá. Xa xa ở phía chân trời có những đám mây trắng xốp, đang bồng bềnh trôi. Được ngắm cảnh biển lúc bình minh quả là điều tuyệt vời!
* Từ những những biện pháp cụ thể đã nêu ở trên, khi viết đoạn văn, bài văn tôi nhận thấy cần:
+ Xác định đúng yêu cầu đề.
+ Trong khi tìm ý, cho HS đặt câu ( Lưu ý cách dùng từ để kịp thời sửa chữa; xem xét việc đặt câu đã đủ các bộ phận chưa?); nhắc nhở HS khi viết phải đúng chính tả.
+ Cho HS liên kết các câu thành đoạn bằng cách trình bày miệng hoặc viết ra giấy nháp rồi đọc.
* Đối với HS còn chậm: Trên lớp GV cung cấp kiến thức mới, gợi ý, hướng dẫn kỹ nhưng một số em viết vẫn còn lúng túng. Đến tiết tăng cường, GV tiếp tục gợi ý, cung cấp từ ngữ và yêu cầu HS viết lại, có thể viết lại nhiều lần nhằm giúp HS nắm kiến thức chắc hơn.
* Tổ chức cho HS đọc bài viết nhiều lần để chỉnh sửa hoặc tìm thêm được những hình ảnh mới hay và sinh động hợn , giúp HS còn chậm học tập những đoạn văn hay.
Trên đây là một số biện pháp thường được sử dụng trong dạy Tập làm văn lớp 5A1 tôi nhận thấy:
+ Thực tế dạy học cho thấy không có một phương pháp dạy học nào là tối ưu. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm, nhược điểm riêng. Tính hiệu quả của mỗi phương pháp phụ thuộc vào người giáo viên biết phát huy tính tích cực của phương pháp đó đến mức độ nào. Nếu các phương pháp dạy học được kết hợp, bổ sung cho nhau thì tiết dạy sẽ tránh được sự nhàm chán và tạo ra sự chủ động, tích cực, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm của HS, nó sẽ phù hợp với nhiều đối tượng học sinh trong một lớp học.
+ Việc lựa chọn phương pháp dạy học phải căn cứ vào điều kiện, phương tiện dạy học của nhà trường.
Với yêu cầu của việc đổi mới phương pháp dạy học ở bậc tiểu học nói chung, ở phân môn Tập làm văn lớp 5 nói riêng là phát huy tính tích cực học tập của HS đòi hỏi mỗi người GV cần vận dụng linh hoạt những phương pháp, biện pháp và hình thức tổ chức dạy học vào giảng dạy để tạo điều kiện cho HS có nhu cầu được thể hiện mình, khích lệ vai trò giao tiếp của các em, tăng cường khả năng thực hành ngôn ngữ để các em biết diễn đạt những suy nghĩ, cảm xúc của mình bằng lời nói, bài viết một cách mạch lạc, rõ ràng. Đó chính là hiệu quả của việc đổi mới phương pháp dạy học.
c. Mối quan hệ giữa các giải pháp, biện pháp:
Giữa các giải pháp, biện pháp luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, luôn bổ trợ cho nhau cùng hướng tới một mục đích là thực hiện tốt các phương pháp rèn kĩ năng viết đoạn văn miêu tả cho học sinh thiểu số lớp 5A1.
Từ việc tổ chức tốt quan sát, tìm ý, dựng đoạn và việc hướng dẫn học sinh lập dàn ý cho bài văn cụ thể để từ đó học sinh có những ý tưởng ban đầu cho đoạn văn miêu tả. Ngoài ra, việc hướng dẫn học sinh chọn lựa, chắt lọc hình ảnh, sử dụng từ ngữ gợi tả, diễn đạt câu nói, viết thành câu trọn ý, sắp xếp ý lại thành đoạn văn sẽ giúp học sinh viết được đoạn văn có nội dung đủ ý, sinh động, câu văn truyền cảm. Việc hướng dẫn học sinh kiểm tra lại bài viết và học tập những ý văn hay sẽ bổ trợ, làm cho đoạn văn, bài văn hoàn chỉnh hơn.
Với những biện pháp như đã trình bày ở trên đã giúp cho cả tôi và học sinh tự tin, chủ động hơn trong các tiết học tập làm văn (văn miêu tả). Các giờ Tập làm văn cũng trở nên nhẹ nhàng, sinh động hơn. Học sinh không còn lúng túng trong việc lập dàn ý cho mỗi bài văn; việc viết một đoạn văn, hay bài văn của các em trở nên dễ dàng hơn. Các em đã biết miêu tả một số đặc điểm của một sự vật cụ thể theo yêu cầu, biết viết câu văn đúng ngữ pháp, rõ ý; biết sử dụng những từ ngữ sát nghĩa, có tác dụng gợi tả, gợi cảm; bước đầu biết sử dụng biện pháp tu từ đơn giản khi viết văn. Lời văn, ý văn của các em không còn nặng tính liệt kê hay kể lể nữa.
d. Kết quả khảo nghiệm, giá trị khoa học, phạm vi và hiệu quả ứng dụng:
Trong quá trình áp dụng các phương pháp nhằm rèn kĩ năng viết đoạn văn miêu tả cho học sinh dân tộc thiểu số lớp 5A1 trường Tiểu học Lê Lợi tôi nhận thấy chất lượng phân môn Tập làm văn cũng như môn Tiếng Việt đã nâng lên rõ rệt. Học sinh từ việc chưa biết lập dàn ý, quan sát, tìm ý, viết đoạn văn miêu tả cảnh vật nay các em đã dần lập được dàn ý chi tiết, biết tìm điểm tiêu biểu, đặc trưng của cảnh để miêu tả, sử dụng các câu văn so sánh làm đoạn văn có nhiều hình ảnh gợi tả hơn, thu hút người đọc hơn.
Xin trích dẫn vài số liệu thống kê kết quả khảo sát khả năng làm văn và kết quả kiểm tra định kì phân môn Tập làm văn của 15 học sinh ở lớp tôi chủ nhiệm như sau:
Kết quả khảo sát về khả năng làm văn miêu tả năm học 2017-2018
Khả năng Thời điểm khảo sát
Đầu
năm học Giữa học kì I Cuối học kì I
– Quan sát và tìm ý tốt 2 HS 5 HS 8 HS
– Biết lập dàn bài, viết bài văn đủ 3 phần. 3 HS 5 HS 11 HS
– Chọn lựa và chắt lọc được những hình ảnh đặc trưng, tiêu biểu. 1 HS 3 HS 5 HS
– Biết viết câu văn rõ ý, đúng ngữ pháp, dùng từ ngữ sát nghĩa. 2 HS 5 HS 9 HS
– Biết sử dụng các câu văn có biện pháp so sánh, nhân hóa. 1 HS 3 HS 7 HS
– Biết sắp xếp ý, câu văn thành đoạn văn hoàn chỉnh, lôgic 1 HS 3 HS 9 HS
– Biết tự kiểm tra, chữa lỗi sai cho bài viết 0 HS 2 HS 5 HS
Kết quả kiểm tra phân môn Tập làm văn:
Điểm
(Thang điểm 7) Thời điểm kiểm tra
Kiểm tra giữa kì I Kiểm tra cuối học kì I
5,5-7 5 HS 8 HS
3,5-5 2 HS 3 HS
2,5-3 5 HS 3 HS
2 3 HS 1 HS
PHẦN KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
1. Kết luận:
– Sau khi thực hiện các biện pháp, giải pháp như trên vào trong giảng dạy, học sinh trong lớp tôi đã dần : biết quan sát và tìm ý tốt; biết lập dàn bài, viết bài văn tả cảnh đủ 3 phần; biết viết câu văn rõ ý, đúng ngữ pháp, dùng từ ngữ sát nghĩa; biết viết đoạn văn có nội dung đủ ý, biết dùng từ ngữ có tác dụng gợi tả, gợi cảm, sử dụng biện pháp tu từ đơn giản; biết sắp xếp ý, câu văn thành đoạn văn hoàn chỉnh, lôgic; biết tự kiểm tra, chữa lỗi sai cho bài viết của mình và của bạn.
– Trên đây là bài học kinh nghiệm mà tôi đã rút ra trong quá trình nghiên cứu, vận dụng và viết SKKN ” Rèn kỹ năng viết đoạn văn miêu tả cho học sinh dân tộc thiểu số lớp 5A1 Trường Tiểu học Lê Lợi”
– Trong quá trình viết không tránh khỏi những hạn chế, rất mong được sự góp ý, bổ sung của BGH, các đồng nghiệp để sáng kiến này đạt hiệu quả cao hơn.
2. Kiến nghị:
Với phòng giáo dục: tập huấn nhiều hơn các phương pháp dạy học tích cực áp dụng cho phân môn tập làm văn và đặc biệt là dành cho học sinh dân tộc thiểu số.
Với ban giám hiệu: cần đầu tư hơn về các tài liệu hay đồ dùng cần thiết trong dạy học tập làm văn như tranh ảnh, các loại sách báo, sách văn, video clip, máy chiếu…..
Với giáo viên bộ môn: cần giúp học sinh thực hành nhiều hơn các bài thuyết trình, báo cáo nhằm tăng khả năng sử dụng ngôn ngữ nói, mạnh dạn, tự tin hơn khi nói ra suy nghĩ, tình cảm của mình.
Với cha mẹ học sinh: cần quan tâm và tạo điều kiện tốt hơn cho học sinh tiếp xúc với các nguồn tài liệu, sách báo, internet nhằm tăng khả năng sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp hằng ngày.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Sách giáo khoa, sách giáo viên Tiếng Việt lớp 5 hiện hành.
2. Tài liệu Bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên Tiểu học chu kì III (2003-2007), tập 2.
3. Luyện tập cảm thụ văn học ở Tiểu học- Tác giả: Trần Mạnh Hưởng.
4. Tài liệu tập huấn “Phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm”.
5. Phương pháp luyện từ và câu ở Tiểu học – Tác giả: Trần Đức Niềm, Lê Thị Nguyên, Ngô Lê Hương Giang.
6. Dạy và học Tập làm văn ở Tiểu học – NXB Giáo dục
Ea Siên ngày 16 tháng 01 năm 2018
Người viết sáng kiến
XÁC NHẬN CỦA THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ